Cẩm nang

GPU Nvidia Pascal sẽ có driver ray tracing trong tháng 4

76

Một trong những phàn nàn lớn nhất với cả hai game DirectX Raytracing (DXR) là rào cản để chơi chúng. Bạn muốn chạy Battlefield 5 hay Metro Exodus với ray tracing? Bạn cần phải sở hữu card GeForce RTX. Chúng là những card đồ họa đắt nhất và hiệu năng tốt nhất hiện nay. RTX 2060, card rẻ nhất trong series này, có giá khởi điểm đến $349. Và card này chỉ có thể đạt 1080p ở cấu hình High và có lẽ đạt 60fps khi bật DLSS. Để trải nghiệm đầy đủ RTX, RTX 2080 Ti nhanh gấp đôi nhưng giá thì tận $1,200! Nhưng nếu bạn có thể sử dụng ray tracing mà không cần phải chi nhiều thì sao? Nvidia đã lắng nghe phản hồi này và sẽ ra mắt driver tương thích DXR vào tháng 4.

Tuy nhiên vẫn có một nhược điểm: về mặt kỹ thuật, DXR chỉ yêu cầu card tương thích DX12 hoặc Vulkan, nhưng tất cả thuật toán của ray tracing đều chạy bằng khả năng tính toán của GPU. Nvidia trước đây cho biết GPU RTX nhanh hơn tối đa 10 lần so với Pascal cùng phiên bản, nhưng đó là chỉ xét các phép tính ray tracing. Nếu được cập nhật driver, ray tracing 1080p hoàn toàn nằm trong tầm với của những card GTX 1080 và 1080 Ti.

Nvidia đã tìm hiểu khả năng chạy ray tracing 60fps trên cấu trúc Pascal. Do Pascal được thiết kế cho DX11 và DX12 nhưng không dành cho DXR, Nvidia ước tính họ sẽ cần GPU với sức mạnh tính toán mạnh gấp 4 lần GTX 1080 Ti, và chip như vậy phải có 35 tỉ bóng bán dẫn và kích thước 1324mm^2. Điều này không thể xảy ra với công nghệ hiện tại – bạn không thể đạt được hơn 800mm^2. Cho nên Nvidia đã tạo ra Turing.

Ngoài ray tracing, cấu trúc Turing của Nvidia cũng làm lại cách xử lý FP (số thực dấu chấm động) và INT (số nguyên). Trong quá khứ, rất nhiều công việc đồ họa chỉ dựa vào phép tính FP, nhưng các phép tính INT ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là trong ray tracing. Tùy vào game và cách áp dụng DXR, dữ liệu Nvidia cho thấy cấu trúc Turing mà không có RT core (GTX 1660 Ti và GTX 1660) vẫn tốt hơn hẳn Pascal. Và tùy thuộc vào cách ray tracing được hiện thực, Turing RTX 2080 có thể nhanh hơn từ 1.3 đến 4.0 lần so với Pascal GTX 1080 Ti (và nhanh hơn 1.6 – 50.0 lần nếu bật DLSS).

AMD cũng thử nghiệm DXR, nhưng bằng các GPU hiện tại của mình. Vấn đề là cấu trúc Vega và Polaris của AMD thường tốt hơn về sức mạnh tính toán khi so với cấu trúc Pascal của Nvidia – đó là lý do tại sao các game DirectX 12 thường chạy trên AMD tốt hơn Nvidia. Nếu AMD cũng ra mắt driver tương thích DXR, nó có thể mở ra cánh cửa DXR với rất nhiều game thủ.

Nhưng đừng kỳ vọng game sẽ chạy mượt. Ngay cả GTX 1080 Ti có lẽ cũng phải chạy ở low hoặc medium với ray tracing.

Theo PC Gamer

Cẩm nang

AMD công bố VGA Radeon VII thế hệ tiếp theo, cạnh tranh với RTX 2080

13

AMD cho thấy mình chưa sẵn sàng dừng bước trong cuộc đua card đồ họa cao cấp. Mới đây, hãng đã công bố Radeon VII, GPU 7nm đầu tiên trên thế giới dành cho khách hàng phổ thông.

Vega đã tồn tại dạng 7nm, nhưng Radeon Instinct của AMD mới chỉ dùng trong các cỗ máy deep learning. Trái lại, Radeon VII lại hướng đến game thủ.

Radeon VII có 60 đơn vị xử lý và 3,840 vi xử lý chạy có thể đạt tối đã 1.8GHz. Nó cũng có bộ nhớ khá lớn – 16GB bộ nhớ băng thông cao (HBM2) với tốc độ truyền tải đạt 1TB/giây. Chúng ta không quá ngạc nhiên khi AMD sử dụng HBM2 thay vì GDDR6, vì đó là những gì mà mọi bản Vega đã dùng.

Radeon VII sử dụng cấu trúc mới và thiết kế mới

Thiết kế AMD cũng loại bỏ tản nhiệt kín giống với Nvidia, sử dụng thiết kế ba quạt tản nhiệt. Đây có lẽ là điều tốt nhất, do các tản nhiệt kín trước đây rất ồn khi quạt quay nhanh. Ngoài ra, AMD vẫn cần phải làm mát chip 295W.

AMD cho hay kiến trúc 7nm đạt hiệu năng nhanh hơn 25% so với bản trước, trong khi tiêu thụ lượng điện năng như cũ. Chúng ta hãy nhìn vào những thông số dưới đây:

Radeon

Với dân đồ họa, AMD cho biết Radeon VII vượt mặt Radeon RX Vega 64 khoảng 27% (blender) cho đến 62% (OpenCL).

Nhưng với game thủ, chúng ta hứng thú về hiệu năng hơn. Về mảng này, AMD công bố thêm những benchmark:

Radeon

Bài kiểm tra riêng của AMD cho thấy Radeon VII hơn Radeon RX Vega 64. Tuy lượng game thử nghiệm không nhiều, nhưng việc tăng 35% trong Battlefield V thật sự rất ấn tượng. Chúng ta không biết cấu hình game mà AMD sử dụng là gì, tuy nhiên nó có thể là 4k ultra do GPU có đến 16GB RAM.

Thú vị hơn, chúng ta hãy xem Radeon VII đối đầu với đối thủ Nvidia GeForce RTX 2080 như thế nào:

Radeon

Một lần nữa, chúng ta không biết AMD sử dụng cấu hình gì, nhưng từ hãng, Radeon VII có thể ngang bằng với GeForce RTX 2080 trong các game DirectX 12 và 11, và vượt mặt RTX 2080 khi bật Vulkan. Một điều mà AMD không đề cập là hỗ trợ real-time raytracing. Rõ ràng là Nvidia có lợi thế hơn về tính năng này.

AMD đưa giá $699 cho Radeon VII, tương tự RTX 2080, và rẻ hơn $100 so với bản Founders Edition của Nvidia. Ngay cả khi hiệu năng của card đúng với những gì hãng nói, Radeon VII khó mà cạnh tranh với đối thủ ở giá đó do GPU thiếu real-time raytracing và DLSS. Chúng ta hãy chờ xem hiệu năng thật sự của Radeon VII sẽ ra sao.

Radeon VII sẽ có mặt trên thị trường vào ngày 7 tháng 2.

Nguồn: PCgamer

Cẩm nang

Review GeForce RTX 2070 Super: Giữ nguyên giá RTX 2070 nhưng tăng hiệu năng

6

Nvidia GeForce RTX 2070 Super đã ra mắt. Kiến trúc Navi và Radeon RX 5700 cùng RX 5700 XT của AMD thì dự tính ra mắt vào 7 tháng 7, tham gia vào hàng ngũ những card đồ họa tốt nhất. AMD cũng cho biết 5700 XT sẽ nhanh hơn khoảng 10% so với RTX 2070 và rẻ hơn $50. 9 tháng sau khi RTX 2070 được bán ra, Nvidia đã cải thiện và ra mắt bản Super. Phiên bản Super đổi sang TU104 GPU để thêm core và hiệu năng, nhưng vẫn giữ giá bán khởi điểm của 2070 là $499.

Ngoài cái tên ra, thì bản Super không có quá nhiều điểm nổi bật. GeForce RTX 2070 Super sử dụng chung kiến trúc Turing với các card RTX hiện tại, và nói tóm gọn lại thì việc nó mạnh hơn bản 2070 gốc là nhờ thêm số lượng CUDA core và clockspeed cao hơn. Khác với RTX 2060 nguyên bản, có thể sẽ tiếp tục được bán dù GeForce RTX 2060 Super đã ra mắt, bản 2070 và 2080 hiện tại sẽ bị đưa ra rìa. Cuối cùng thì lợi thế hơn 10% của AMD so với 2070 cũng không mang ý nghĩa gì.

Chúng ta hãy cùng xem lại đội hình RTX:

2060 Super có lợi thế thêm bộ nhớ và nhiều băng thông hơn so với 2060. GeForce RTX 2070 đã phát huy hết chip TU106, buộc Nvidia phải tìm giải pháp khác để cải thiện hiệu nặng bằng cách thêm core. Và ‘giải pháp khác’ ở đây đồng nghĩa đổi sang chip TU104 lớn hơn, đang được sử dụng trong RTX 2080.

GeForce RTX 2070 Super có 40 SMs (streaming multiprocesscors), và mỗi SM có 1 RT core, 8 Tensor core, 8 texture unit và 64 Cuda core. Về cơ bản, 2070 Super là RTX 2080 rút gọn.

RTX 2070 Super có boost clock là 1770MHz, cao hơn bản overclocked 2070 Founders Edition (1710MHz). Kết hợp với bốn SM tăng thêm, về lý thuyết nó sẽ nhanh hơn 22% so với RTX 2070. Nhưng lý thuyết và thực tế thường không giống nhau. Do 2070 Super có băng thông và cấu hình tương tự, thực tế cho thấy hiệu năng thường cải thiện chỉ 10-15%.

Tin tốt là dù thêm hiệu năng, RTX 2070 Super lại không tăng giá. Tất nhiên, các card RTX 2070 đã giảm giá đôi chút xuống còn $450 trong 9 tháng qua, nhưng chúng ta có lẽ sẽ thấy các card Super sớm rớt giá so với giá bán ban đầu. Và sự hiện diện của 2070 Super cũng sẽ tiễn 2070 nguyên bản ra đi. Những card này có lẽ sẽ tồn tại thêm nhiều tháng nữa, nhưng cuối cùng thì 2070 Super – và 2080 Super – sẽ là những card RTX 2070/2080 duy nhất được sản xuất.

Dưới đây là kết quả kiểm tra, bắt đầu với 1080p trước. Thường với dòng card $500, 1080p không phải mục tiêu chính, nhưng nếu muốn tận dụng hết sức mạnh của màn hình 144Hz, thì 1080p vẫn dễ hơn so với 1440p.

Hiệu năng của GeForce RTX 2070 Super

Hiệu năng đúng như mong đợi. 2070 Super nhanh hơn 6% so với 2070 FE tại 1080p medium, nhưng một số game bị quá tải CPU. Chỉ những game nặng (Assassin’s Creed Odyssey và Metro Exodus) là không thể đạt được trung bình 144fps.

1080p ultra giảm hiệu năng xuống trung bình khoảng một phần ba khi so với 1080p, nhưng RTX 2070 Super vẫn thoải mái trên 60fps. Trung bình, nó cũng nhanh hơn Radeon VII của AMD cũng như GTX 1080 Ti của Nvidia. Khi so với 2070 FE, nó nhanh hơn 8%, tức 15% so với RTX 2070 thường.

RTX 2070 Super tiếp tục vận hành ổn tại 1440p ultra, tuy nhiên Assassin’s Creed Odyssey cần điều chỉnh cấu hình thêm chút để giữ khung hình trên 60. 2070 Super hiện nhanh hơn 9% so với 2070 FE, nhưng tại độ phân giải cao hơn, Radeon VII nhỉnh hơn đôi chút.

Cuối cùng, tại 4K ultra, 2070 Super hơn hẳn FE 10%, trong khi Radeon và GTX 1080 Ti thì khá cân bằng. Có một số trường hợp, 1080 Ti hơn, trong khi số khác thì 2070 Super hơn. Nó còn tùy thuộc vào game đó dùng nhiều băng thông hơn hay nhiều shader hơn.

Không quá ngạc nhiên, giữ framerate trên 60fps tại 4K ultra rất khó – ngay cả Titan RTX và RTX 2080 Ti cũng chỉ trên 60fps ở vài game. Nếu nghiêm túc muốn chơi game 4K, bạn cần phải để cấu hình game xuống high hoặc có khi là medium để game chạy mượt.

GeForce RTX 2070 Super: Cải thiện hiệu năng, nhưng không đáng kể

Không có gì đáng ngạc nhiên về RTX 2070 Super. Thêm vài core, tăng clockspeed và thế là cải thiện hiệu năng. 2070 Super nhanh hơn khoảng 10-15% so với RTX 2070 cũ. Nó chỉ chậm hơn 5-10% so với RTX 2080 (tuy nhiên 2080 Super sẽ thay đổi điều này trong vài tuần nữa).

Về giá trị, 2070 Super là lựa chọn tốt cho những ai muốn lắp máy chơi game PC cao cấp. Nó nằm trong top bảng xếp hạng đáng đồng tiền bát gạo.

Với những ai cảm thấy không cần nâng cấp lên các card RTX của Nvidia, 2070 có lẽ không thay đổi gì nhiều. Nó không thuyết phục khách hàng nâng cấp, mà chỉ đảm bảo Nvidia có card tốt hơn series RX 5700 của AMD.

Trong khi AMD quả quyết nhanh hơn 10% so với RTX 2070, có vẻ như Nvidia sẽ vượt mặt về hiệu năng. Nvidia cũng thắng thế về lượng điện tiêu thụ, tuy nhiên 215W vs. 225W thật sự là không đáng kể. Vấn đề lớn hơn nằm ở khả năng tương thích ray tracing của các game và game enine sau này. Có lẽ bạn không nghĩ mình cần bật DXR ray tracing khi chơi game, nhưng ít nhất bạn vẫn có khả năng làm điều đó cùng GPU của Nvidia. Với GPU của AMD, bao gồm các card Navi 10 sắp ra mắt, trừ khi AMD thay đổi suy nghĩ về các driver DXR, ray tracing hoàn toàn nằm ngoài tầm với của AMD.

Chúng ta vẫn còn khá lâu trước khi ray tracing trở nên phổ biến trong các tựa game, nhưng số lượng game hỗ trợ ray tracing đang ngày một tăng. Nếu bạn giữ card hiện tại của mình lâu hơn thì sẽ tốt hơn là nâng cấp liền ngay bây giờ. Và khi thời khắc đã chín muồi, bạn sẽ có được chiếc card tốt hơn, nhanh hơn (và rẻ hơn).

Chúng ta hãy cùng đón chờ RX 5700 XT và RX 5700 vào 7 tháng 7 này. Trong khi đó RX 2070 Super và 2060 Super sẽ được bán ra vào 9 tháng 7.

Theo PC Gamer

Cẩm nang

GPU Nvidia GTX 1650 sẽ thay thế GTX 1050 Ti

73

Tin đồn GTX 1650 sẽ được ra mắt vào tháng 4 này, GPU mới được xem là bản nâng cấp của GTX 1050. Theo thông tin lộ diện trước đó, GTX 1650 sẽ có cấu trúc Turing, với GPU chip có mã tên là TU117. Tuy nhiên, đây là giải pháp cho thị trường GPU giá rẻ, nên nó sẽ chỉ có 896 CUDA core, và không có đi kèm RT cũng như Tensor cores, với 4GB GDDR5 VRAM. Phiên bản này được tìm thấy trong dữ liệu online của Final Fantasy XV benchmark, nhưng chưa rõ đây là bản desktop hay laptop.

Trong  quá trình thử nghiệm chạy Final Fantasy XV tại 2560 x 1440 với preset là Lite Quality cho thấy card này ngang gần bằng với GTX 1050 Ti. Tuy nhiên, đây có thể là mẫu chạy thử bằng driver beta, nên thông số cuối có thể cải thiện hơn.

GTX 1650 chắc chắn sẽ dành cho thị trường tầm thấp, với tin đồn giá khoảng $178 USD.

Cẩm nang

Razer ra mắt laptop Razer Blade 15.6 inch mỏng, mạnh hơn và Razer Core X

47

dòng laptop của Razer trước giờ có hai lựa chọn giữa dòng Blade Stealth mỏng và Blade Pro mạnh mẽ. Và vừa mới đây, Razer đã quyết định thêm phiên bản mở rộng màn hình ra với mẫu Razer Blade 15.6 inch thay vì 14-inch như trước.

Razer mô tả rằng Blade là “laptop chơi game 15.6-inch nhỏ nhất thế giới,” với độ dày của máy chỉ 0.66 inch hoặc 0.68 inch: tùy thuộc vào phần cứng của laptop. Nó cũng sử dụng thiết kế ‘tràn viền’ giúp Razer đạt được 15.6-inch trong khi giảm thiểu được khung màn hình.

Có 3 tùy chọn màn hình – Full HD 1080p 60Hz, 1080p 144Hz, và 4K 60Hz hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Cả ba màn hình này đều là IPS và được “tùy chỉnh riêng biệt tại xưởng.”

Razer tất nhiên cũng đem những phần cứng hiện đại và mới nhất vào dòng laptop cao cấp của mình. Razer Blade giờ đây sử dụng vi xử lý thế hệ thứ 8 của Intel Core i7-8750H, tức 6-nhân/12-luồng ép xung từ 2.2Ghz lên 4.1Ghz cùng 9MB L3 Cache. Laptop cũng đi kèm 16GB DDR4-2667MHz RAM và 256GB/12GB M.2 NVMe SSD.

Người dùng vẫn có thể mua Blade với GPU GeForce GTX 1060 Max-Q, nhưng Razer cũng thêm lựa chọn GeForce GTX 1070 Max-Q.

Razer Blade mới hiện đã có mặt trên thị trường với giá từ $1,899.99 cho đến $2,899.99

Ra mắt cùng với Blade là Core X, phiên bản giá thấp hơn của hộp card đồ họa rời Core V2. Giống với những GPU rời khác, ý tưởng này dùng để tăng sức mạnh laptop để đạt được chất lượng đồ họa của các desktop.

Core X mới có giá $299.99, cho nên người dùng có thể tiết kiệm kha khá so với Core V2. Tuy nhiên, giá thành rẻ hơn có nghĩa là tính năng cũng bị thiếu hụt, như kết nối USB và Ethernet, và đèn RGB (Chroma). Tuy nhiên, Core X cũng có vài update.

Hộp nhôm của Core X rộng hơn Core V2 và có thể hỗ trợ những card đồ họa chiếm đến 3 chỗ cắm. Trong khi bản đắt giá hơn là Core V2, bạn không thể gắn card đồ họa 2.5-inch vào.

Core X cũng tích hợp nguồn 6 50W, tăng từ 550W của Core V2 lên và hỗ trợ 100W điện năng để sạc laptop thông qua cổng Thunderbolt 3.

Giống với Core V2, Core X hoạt động với những laptop của Razer cùng với những laptop Windows 10 có cổng Thunderbolt 3. Người dùng hệ máy macOS có thể sử dụng Core X hoặc Core V2 nếu chạy High Sierra 10.13.4 hoặc cao hơn, nhưng chỉ dành cho những máy Mac tương thích với card AMD Radeon.

Nguồn: PCgamer

Cẩm nang

Nvidia GTX 1660 Ti, GTX 1660, GTX 1650: card GTX Turing liệu có đáng mua?

25

Sau sự xuất diện của GPU GTX 1650, danh sách card đầu 16 của Nvidia cuối cùng cũng góp mặt đầy đủ. Nhưng chúng có phải là lựa chọn card đồ họa tốt cho chiếc máy tính tương lai của bạn? Dưới đây là phân tích chuyên sâu các card GeForce GTX Turing mới để xác định sức mạnh của chúng ở mức nào, cũng như chúng có đáng đồng tiền không.

Nvidia GTX Turing 1650 1660 1660 Ti

Nvidia ra mắt hai phân khúc cho dòng GPU của mình: đầu tiên bạn có các card RTX 20-series cao cấp, như RTX 2080 dành cho những game thủ có khả năng ‘đốt tiền’, và sau đó chúng ta có 16-series. 16-series giống với các card truyền thống hơn, không có ray tracing cũng như deep learning của dòng RTX.

GPU Turing ở trong card RTX được tích hợp thêm chip silicon vào để tăng tốc đồ họa. Chúng dùng cho các thuật toán phức tạp trong việc chuyển đổi thông tin thành các pixel hiển thị trên màn hình, giúp người dùng cảm nhận được real-time ray tracing trong game.

Các GPU này còn có Tensor Core AI để hỗ trợ công nghệ super sampling dùng trong deep learning, đồng thời cho phép các game hỗ trợ ray tracing chạy ở khung hình ổn định.

Tuy nhiên, các GPU phiên bản GTX lại không có chip silion này. Các Tensor Core và RT Core không góp mặt trong 16-series, nhưng những card đầu 16 vẫn có khả năng thực hiện các phép toán số thực và số nguyên đồng thời của kiến trúc Turing, cho phép xử lý các engine game hiện đại nhanh hơn cũng như cắt giảm chi phí sản xuất.

GTX 1660 Ti GTX 1660 GTX 1650
GPU TU116 TU116 TU117
Quang khắc (Lithography) 12nm FinFET 12nm FinFET 12nm FinFET
Core (Nhân) 1,536 1,408 896
Memory (Bộ nhớ) 6GB GDDR6 6GB GDDR5 4GB GDDR5
Memory Bus 192-bit 192-bit 128-bit
Tiêu thụ điện 120W 120W 75W
Giá tham khảo $279 $219 $149

Nvidia đã hỗ trợ tất cả các GPU từ GTX 1060 trở lên, nhưng việc thiếu đi con chip silicon quan trọng khiến cho các GPU 16-series không thể bì kịp chất lượng với dòng RTX.

Nhưng đổi lại, 16-series lại sở hữu công nghệ tiên tiến hơn so với các card GTX 10-series, với giá thành rẻ hơn nhiều so với RTX 20-series. Giờ đây, khi danh sách card GTX 16-series đã đầy đủ, chúng ta hãy xem thử GPU nào trong đó thật sự đáng đồng tiền nhất?

NVIDIA GEFORCE GTX 1650

GTX 1650 tội nghiệp. Đây là đứa con thứ ba của dòng 16-series, một đứa con không ai mong muốn, nhưng buộc phải xuất hiện để thay thế cho GTX 1050 Ti của thế hệ trước.

Thế nhưng, đây không phải là lỗi của GTX 1650. Một phần lý do chiếc card này bị ghẻ lạnh đến từ đối thủ cạnh tranh của nó trong đầu nửa năm 2019 này. Nói ngắn gọn, lỗi là do RX 570 của AMD.

Tuy card Radeon già cỗi này được sản xuất dựa trên mẫu thiết kế cũ, nhưng vì được sản xuất rất nhiều do cơn sốt đào tiền ảo, lượng card này vẫn còn rất nhiều trên thị trường. Và với việc Navi chuẩn bị đổ bộ trước mùa thu, giá thành RTX 570 – và cả RTX 580 cũng như RX 590 – tiếp tục giảm.

Nó giảm nhiều đến độ card này còn rẻ hơn cả GTX 1050 Ti đang được bán trên thị trường. Đáng tiếc, dù GTX 1650 được dự tính sẽ thay thế 1050 Ti, nhưng giá thành của nó lại chẳng rẻ chút nào…

Nó nhanh hơn GTX 1050 Ti, nhưng về hiệu năng lại kém RX 570. Đó là lý do mà Nvidia nhiều khi giả vờ như 1650 chưa bao giờ ra mắt. Câu hỏi giờ đây là: ai sẽ mua GTX 1650?

Thành thật mà nói, chúng ta vẫn có một nhóm người dùng cụ thể vẫn muốn mua 1650: đó là những người sử dụng máy tính văn phòng cũ kỹ, những chiếc hộp HP hay Dell đen quen thuộc – chỉ muốn thêm một chút hiệu năng để chơi game (ngoài làm việc).

Giống với GTX 1050 Ti, GTX 1650 không cần nguồn điện ngoài, nó có thể vận hành chỉ bằng điện lấy từ motherboard. Tức bất kỳ máy tính nào sử dụng mạch PCIe (gần như tất cả các máy ra đời trong một thập kỷ qua) có thể được nâng cấp thành máy chơi game 1080p nghiêm túc với giá chỉ $149.

Nếu bạn muốn nâng cấp máy văn phòng để chơi game, GTX 1650 là GPU nhanh nhất và dễ dàng nhất để giúp máy tính già cỗi của bạn trụ thêm một chút. Nhưng với những người dùng khác, RX 570 vẫn là lựa chọn rẻ, nhanh hơn… và là chiếc card bài viết khuyến nghị nên mua nhất trong phân khúc card giá rẻ.

NVIDIA GEFORCE GTX 1660

GTX 1660 có một nhiệm vụ duy nhất – giết chết các card Polaris của AMD. Nó ra mắt sau khi GTX 1660 Ti trở thành GPU tốt nhất thuộc phân khúc $300, với sức mạnh ngang ngửa GTX 1070 nhưng giá chỉ bằng GTX 1060. GTX 1660 tham gia thị trường với mục tiêu hạ gục RX 590 và 580.

Giá cũng như cấu hình của nó ngang hàng với các card Polaris cao cấp. GPU TU116 của nó có 22 SM thay vì 24, tức là bạn chỉ mất có 128 core, vẫn còn đến 92% lượng core có trong GTX 1660 Ti. Nvidia đổi bộ nhớ từ GDDR6 sang GDDR5, nhưng tại thời điểm bây giờ, quyết định này không thật sự tạo ra khác biệt lớn.

Với việc GTX 1660 6GB được bán ở mức $200, thật khó để tranh cãi về giá cũng như hiệu năng của nó, đồng nghĩa chúng ta không thể lấy RTX 580 hay RX 590 để so sánh nữa. Tuy nhiên, GTX 1660 không thật sự hơn hẳn các đối thủ nhiều: nó cũng chỉ ở mức giá ngang các card AMD với hiệu năng được bơm lên chút đỉnh.

Nếu bạn đang sở hữu một card tầm trung thế hệ trước thì không có lý do thuyết phục nào để nâng cấp lên GTX 1660 cả.

NVIDIA GEFORCE GTX 1660 TI

GTX 1660 Ti là lựa chọn card tốt nhất hiện nay. Tất nhiên, RTX 2080 Ti vẫn là GPU mạnh nhất, nhưng các card RTX 20-series thấp hơn cũng đã có giá khá ‘chát’ (từ $350 đến $500), nói chi đến 2080 Ti với mức giá tận $1000 hơn. Nói tóm lại, 1660 Ti gần như là chiếc card đồ họa cao cấp nhất mà một người dùng ‘bình thường’ sẽ mua.

1660 Ti đạt hiệu năng của GTX 1070 với một mức giá thấp chưa từng có trước đây. Thị trường vẫn có một số card GTX 1070 rẻ hơn nhưng chúng càng ngày càng hiếm, do những GPU già cỗi đang chết dần chết mòn (không còn được sản xuất nữa). Bạn có thể mua được card cũ với giá thành tốt, nhưng rủi ro về chất lượng mà card cũ đem lại thật sự không phải là lựa chọn tối ưu.

Còn về cấu hình, GTXX 1660 Ti sở hữu GPU TU116 bản đầy đủ: 1,536 CUDA core và bộ nhớ 6GB GDDR6 mới. GDDR6 chính là thứ giúp cho card này rất có giá trị.

GPU đầu tàu trong nhóm đầu 16 này hoàn toàn đánh bại các card Polaris tầm trung của AMD, dễ dàng đạt chất lượng 1440p và 1080p ở hầu hết các game mà không cần tùy chỉnh cấu hình nhiều. Nếu bạn có tối đa $300 để nâng cấp GPU thì đây là card duy nhất thật sự đáng đồng tiền cho bạn… nhưng điều đó có thể thay đổi trong thời gian sắp đến.

BẠN CÓ NÊN ĐỢI NAVI CỦA AMD?

Trừ khi bạn đang nâng cấp máy tính của thập kỷ trước, thì card 16-series duy nhất mà bạn nên cân nhắc chọn lựa là GTX 1660 Ti.

1650 chỉ đáng mua trong một số trường hợp hãn hữu, trong khi GTX 1660 không phải là lựa chọn tối ưu cho phân khúc $200. GTX 1660 Ti vừa đáng nâng cấp vừa đem lại hiệu năng chơi game cực kỳ tốt với giá thành hợp lý.

Nhưng AMD sẽ không ngồi yên với kiến trúc GPU Polaris của mình mãi mãi: các card đồ họa AMD Navi sắp sửa ra mắt. CEO của công ty là tiến sĩ Lisa Su hứa sẽ ra mắt sản phẩm trước tháng 9.

Và các bạn hẳn đã biết AMD luôn cạnh tranh về giá như thế nào rồi đấy. Chắc chắn đội ngũ Radeon sẽ ra mắt Navi tầm trung đủ để vượt mặt các GPU 16-series cả về giá lẫn hiệu năng.

Vậy bạn có nên chờ Navi không? Thật sự thì không. Nếu bạn đang tìm mua một chiếc card đồ họa mới thì hãy mua ngay luôn đi. Do thị trường phần cứng máy tính luôn thay đổi, việc chờ đợi sẽ chỉ trì hoãn những dự định chơi game của bạn mà thôi.

Tất nhiên, Navi gần như đảm bảo sẽ đạt chỉ số giá thành trên hiệu năng tốt hơn – nó rõ ràng cần phải đánh bại 16-series nếu muốn thành công. Nếu bạn sẵn lòng chờ thêm vài tháng thì không sao cả, nhưng ngay sau đó, Nvidia có thể lại chuẩn bị ra mắt các card Turing mới để cạnh tranh tiếp… và vòng lẩn quẩn nâng cấp phần cứng lại bắt đầu.

Hoặc, bạn có thể chờ card đồ họa Intel Xe nữa…

Theo PCGamesN

Cẩm nang

GeForce RTX 2070 vs GTX 1080: Bạn nên mua card đồ họa nào?

39

Nvidia đã ra mắt kiến trúc Turing GPU được khoảng một năm, và từ lúc đó cũng đã ra mắt nhiều sản phẩm không thuộc RTX (không có phần cứng hỗ trợ real-time ray tracing) và nâng cấp series GeForce RTX của mình lên bản Super.  Điều đó đồng nghĩa người tiêu dùng giờ có nhiều lựa chọn hơn, phù hợp với túi tiền hơn.

Tùy thuộc vào ví tiền và hiệu năng mà bạn nhắm đến, bạn có đang thắc mắc mình nên đầu tư vào GeForce RTX 2070 (bản thường hoặc Super) hay là GeForce GTX 1080 của thế hệ trước? Cả ba đều có giá khởi đầu là $499, khiến cho người dùng khá băn khoăn và có khi lầm tưởng rằng chúng mạnh như nhau. Nhưng sự thật có phải vậy?

Câu trả lời là không, chúng không ngang nhau chút nào, và không thật sự có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi cái nào ưu việt hơn. Đó là lý do mà bài viết này sẽ so sánh hai dòng GPU về tính năng, hiệu năng, và giá thị trường thật sự. Những thông tin này mới là thứ sẽ thật sự ảnh hưởng đến quyết định mua card đồ họa của bạn. Chúng ta hãy bắt đầu nào!

Sự khác biệt giữa RTX và GTX

Tên các phiên bản thường thì khá vô nghĩa, nhưng khi so sánh giữa RTX và GTX thì không phải vậy. Tất cả card RTX đều có tích hợp RT core được thiết kế để gánh trọng trách real-time ray tracing. Mới đây, Nvidia cập nhật driver của mình để nó hỗ trợ real-time ray tracing trên cả những card GTX hiện tại và GPU Pascal thế hệ cũ. Nhưng nhìn chung, thiếu đi phần cứng chuyên dụng thì real-time ray tracing cũng chẳng có mấy ý nghĩa, nên nếu bạn muốn bật ray-tracing trong game, thì tốt nhất hãy mua card RTX.

Ray Tracing của Nvidia là công nghệ gì và nó có ý nghĩa gì với cộng đồng game

Các card GeForce RTX cũng hỗ trợ deep learning super sampling (DLSS). Với những game hỗ trợ DLSS, nó giúp cải thiện hiệu năng mà không làm giảm chất lượng hình ảnh. Trên lý thuyết, nó sẽ cho phép game xử lý ở độ phân giải thấp hơn, và sau đó tăng chúng lên, thêm khử răng cưa trong thời gian thật để hình ảnh nhìn không khác gì độ phân giải gốc. Tuy nhiên, kết quả hiện tại khá là trái chiều.

Theo ý kiến của PC Gamer, chỉ mình tính năng DLSS không đủ để bạn chọn card RTX thay vì GTX, nếu mọi thứ còn lại đều ngang bằng. Ray tracing được xem là tính năng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ray tracing chưa được áp dụng rộng rãi, mặc dù danh sách game hỗ trợ đang ngày càng dài thêm.

Nếu muốn bật ray tracing trong các game được hỗ trợ thì dòng RTX 2070 sẽ thích hợp với bạn, cụ thể là phiên bản Super. Lựa chọn rẻ tiền hơn trong dòng RTX là RTX 2060 Super và RTX 2060. Còn RTX 2070 Super và RTX 2070 mạnh mẽ hơn khi đảm nhiệm trọng trách ray-tracing.

Chuyên sâu về kỹ thuật

Tuy chúng ta có nhiều card GTX dựa trên thế hệ Turing GPU hiện tại, nhưng GTX 1080 lại không nằm trong số đó – nó thuộc nhóm GPU Pascal thế hệ cũ.

Tạm bỏ qua kiến trúc, đây là thông số chi tiết của RTX 2070 Super, 2070 và GTX 1080:

GeForce RTX 2070 Super GeForce RTX 2070 GeForce GTX 1080
Kiến trúc TU104 TU106 GP104
Vi xử lý 12 12 16
Bán dẫn (tỉ) 13.6 10.8 7.2
Kích thước bán dẫn (mm^2) 545 445 314
SMs 40 36 20
CUDA cores 2560 2304 2560
Tensor cores 320 288 N/A
RT cores 40 36 N/A
Base clock (MHz) 1605 1410 1607
Boost clock (MHz) 1770 1620 1733
Tốc độ VRAM (MT/s) 14000 14000 10000
VRAM (GB) 8 8 8
Băng thông Bus (bits) 256 256 256
ROPs 64 64 64
TMUs 160 144 160
GFLOPS (boost) 9062 7465 8873
Băng thông (GB/s) 448 448 320
TDP (watts) 215 185 180

 

Lượng bộ nhớ (8GB) tương đương nhau, nhưng các card RTX sử dụng chip nhớ GDDR6, trong khi GTX 1080 sử dụng GDDRX5.

Xét về clockspeed, GTX 1080 vượt mặt RTX 2070, cả base lẫn boost. Nó cũng có nhiều CUDA core hơn. Nvidia khắc phục nhược điểm này bằng RTX 2070 Super, có base clock tương đương, trong khi boost clock nhanh hơn, và ngang bằng lượng CUDA Core với GTX 1080.

Tuy nhiên, đừng quá dựa dẫm vào các thông số này. Như chúng ta biết, kiến trúc Turing mạnh hơn Pascal, và hiệu năng của hai card RTX 2070 hầu như hơn hẳn. Đây mới là thứ quan trọng nhất:

Hiệu năng

Dưới đây là benchmark của các card này, ở nhiều độ phân giải và cấu hình đồ họa khác nhau. Nó nhanh hơn bao nhiêu chính là điểm so sánh chính để bạn quyết định mình nên dùng Pascal hay nâng cấp lên Turing.

Tại 1080p, sự khác biệt hiệu năng giữa RTX 2070 và GTX 1080 không đáng kể. 11 game chạy cấu hình medium cho thấy RTX 2070 trung bình nhanh hơn khoảng 6%. Con số này tăng lên 8% khi chạy game ở cấu hình Ultra.

Khoảng cách chênh lệch giữa RTX 2070 Super và GTX 1080 còn rộng hơn. Nó khác biệt gần 16% khi ở cấu hình medium, và khoảng 17% tại Ultra. Khi bắt đầu thấy khác biệt phần trăm nhảy lên hai con số, khoảng cách hiệu năng bắt đầu quan trọng hơn, tùy thuộc vào game bạn chơi.

Mọi thứ diễn ra tương tự ở 1440p, nhưng 4K mới là thước đo thật sự. Tại Ultra, GTX 1080p đạt trung bình 40.8 fps (11 game), so với 45.3fps của RTX 2070 và 50fps của RTX 2070 Super.

Không có card nào phù hợp để chơi game 4K, nhưng GTX 1080 rõ ràng là lựa chọn tồi nhất, với một số game chỉ đạt khoảng 30fps. Dưới 30fps hầu như là mức không thể chấp nhận khi chơi game.

Giá thành và giá trị

Bài review về RTX 2070 Super có nói RTX 2070 Super là lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn lắp máy tính chơi game cao cấp. Thật sự, nó nằm trong top đầu danh sách ‘đáng đồng tiền bát gạo’ khi lắp máy tính mới, và RTX 2070 cũng không hề kém cạnh quá nhiều. Cả hai card này không quá hấp dẫn khi chỉ so về giá trị đơn thuần giữa các card đồ họa mà không xét đến cả dàn máy.

Tuy nhiên, trong so sánh này, chúng ta không so sánh ‘giá trị’ của tất cả các card. Đây chỉ là cuộc chiến giữa các card RTX 2070 và GTX 1080 của thế hệ trước.

Khi GTX 1080 mới ra mắt, giá khởi điểm là $499. Còn hiện tại? GPU mới trên Newegg có giá $735, và có lúc đạt 1,000. Chúng ta có thể khẳng định mình không đủ điên để rinh GTX 1080 về ở mức giá đó.

Nhưng ở thị trường second-hand thì giá hợp lý hơn. Ví dụ, trên Ebay, bạn có thể ước chứng mình sẽ trả tầm $300 chênh lệch một chút. Trong khi đó, card RTX mới trên Newegg thường có giá $449 trở lên, trong khi RTX 2070 Super là $499 trở lên.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là card cũ có thể đã bị sử dụng để đào tiền ảo 24 tiếng một ngày trong môt năm dài hoặc hơn thế. GTX 1080 là GPU rất được ưa chuộng trong cơn sốt đào tiền ảo, và card cũ có thể đã bị bòn rút hết sức lực.

Lời kết

Quyết định cuối cùng nằm ở độ mạo hiểm của bạn. Bạn có muốn đánh cược với card GTX 1080 cũ không? Nếu sẵn sàng, người mua đôi khi có thể tìm được giá dưới $300. Khi so với $449 cho RTX 2070 và $499 cho RTX 2070 Super trở lên, nó hời hơn hẳn. Chúng không đủ khác biệt để bạn bỏ thêm $150 hay $200 để lên đời series 2070, và hiện tại chúng ta cũng không có nhiều game hỗ trợ sẵn ray tracing.

Tuy vậy, so sánh giữa cũ và mới đôi lúc có hơi khập khiễng. Ai biết được GTX 1080 đã phải cày cuốc bao nhiêu, và bởi Nvidia và các đối tác phần cứng đang loại bỏ Pascal dần, nên các phiên bản mới đều bị đẩy giá lên quá cao.

Nói tóm lại: trừ khi bạn cảm thấy ổn với sự mạo hiểm khi mua card cũ thì RTX 2070 Super và RTX 2070 là lựa chọn tầm trung – cao cấp tốt hơn so với GTX 1080. Đặc biệt, bản Super thật sự rất hấp dẫn, do nó gần bằng với hiệu năng của RTX 2080 trong khi giá thành lại rẻ hơn.

Theo PC Gamer

Các bài Review và so sánh card đồ họa có thể bạn quan tâm:

  • GeForce RTX 2060 vs GTX 1660 Ti: Bạn nên mua card đồ họa nào?

  • Nvidia GTX 1660 Ti, GTX 1660, GTX 1650: card GTX Turing liệu có đáng mua?

  • GeForce RTX 2060 vs GTX 1070: Bạn nên mua card đồ họa nào?

  • Review Nvidia GeForce RTX 2060 – Hậu duệ xứng tầm của 1060?

  • Review Nvidia GeForce RTX 2060 Super: Hiệu năng ngang ngửa 2070 nhưng rẻ hơn đến $100

  • Review GeForce RTX 2070 Super: Giữ nguyên giá RTX 2070 nhưng tăng hiệu năng